15 năm trước, người đàn ông sinh năm 1969, sinh sống ở Hà Nội quyết định ra đảo Khỉ - nơi đầu sóng ngọn gió ở vịnh Lan Hạ (Cát Bà) làm "người rừng" để thực hiện một ý tưởng mà nhiều người cho là mạo hiểm - khai phá hòn đảo hoang này, biến nó trở thành "thiên đường nơi hạ giới".
Bị khùng mới đổ tiền ra nơi đầu sóng ngọn gió
Sinh ra ở Hà Nội, sớm bắt tay vào kinh doanh, anh Mãn sở hữu nhiều bất động sản và xe sang. Vợ chồng anh có một công ty du lịch với gần 40 chiếc xe chuyên chạy tour Hà Nội - Huế - Đà Nẵng và hệ thống khách sạn nổi tiếng khắp phố cổ từ những năm 1990, 2000.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Trịnh Phúc Mãn cho hay: "Năm 2007, nhận thấy lượng khách của tôi đổ về Cát Bà khá đông, Vườn Quốc gia Cát Bà đã cử nhân viên về Hà Nội để mời tôi liên kết làm mô hình du lịch sinh thái bảo vệ rừng và biển.
Chủ trương này dựa theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho phép các vườn quốc gia trên toàn quốc được phát triển về du lịch, làm những mô hình thí điểm. Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, UBND TP. Hải Phòng cũng đồng tình".
Anh Mãn cùng vợ khởi nghiệp làm du lịch khá sớm và từng gặt hái được không ít thành công.
Vốn là một người yêu thiên, yêu du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, anh Mãn khá hào hứng với ý tưởng này. Song, khi theo đoàn đi khảo sát đảo Khỉ (gồm Bãi Dứa 1 và Bãi Dứa 2), anh Mãn choáng ngợp trước những xác tàu đắm nằm ngổn ngang, những núi rác lừng lững cao hàng mét chen lẫn với hệ thống cây rừng, bụi gai rậm chằng chịt…
Để có đường đi, nhân viên của Vườn Quốc gia Cát Bà khi đó phải cầm con dao rừng đi trước, phát quang từng bụi rậm để cả đoàn leo núi, dò dẫm đường đi. Cuối buổi khảo sát, đôi giày anh Mãn đi dưới chân đã rách bươm.
"Lúc ấy, tôi cũng đã hiểu vì sao bao năm không ai đủ can đảm để "đụng" vào hòn đảo này, nhìn là đã thấy quá nhiều chông gai, quá nhiều vất vả, sẽ rất tốn công, tốn của và tốn sức", anh Mãn nói.
Khó khăn là vậy, nhưng anh Mãn không mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định của bản thân.
Đứng ở điểm trung tâm của Bãi Dứa 2, phóng tầm mắt ra xa là mặt biển mênh mông, quay lưng lại là núi xanh mướt mắt, anh nghĩ, nếu rẽ được lớp rác rưởi và bụi rậm kia ra, nơi đây sẽ trở thành một thiên đường tuyệt đẹp.
"Nhưng thú thực, khi đó tôi tin vào giới lãnh đạo của Hải Phòng, tin về suy nghĩ của những người quản lý rằng họ thực sự muốn dựng xây mảnh đất này, một cách đàng hoàng tử tế... để củng cố suy nghĩ, niềm tin mong manh của mình", hướng ánh nhìn về phía đất liền, người đàn ông này ngậm ngùi.
Hôm ấy, đứng ngay tại bãi biển, vị phó giám đốc bấm máy gọi điện thoại cho lái xe bảo về Hà Nội trước. Sau đó, anh gọi cho vợ - chị Trần Thị Cúc báo tin. Nghe anh Mãn nói, chị Cúc tưởng chồng… đùa. Song khi biết chồng hoàn toàn nghiêm túc, chị liền nói mình sẽ về Cát Bà ngay trong ngày để cùng anh xem xét tình hình.
Thấy vợ sốt ruột đứng ngồi không yên, anh Mãn liền ngăn vợ: "Em đừng xuống. Nếu em xuống là anh sẽ không đủ can đảm ở lại đây".
Ngày hôm sau, kết thúc buổi làm việc đi đến thống nhất với Vườn Quốc gia Cát Bà, anh Mãn ra ngay bến Bèo mua một chiếc đò máy với giá 10 triệu đồng và "tuyển" luôn ông lão lái đò làm "tài xế" dưới nước cho mình.
Hàng ngày, người lái đò có nhiệm vụ chở anh Mãn ra vào đảo để anh khảo sát, lên kế hoạch. Anh Mãn trút bỏ những bộ vest lịch lãm, vận áo phông, quần sooc. Vị phó giám đốc xắn tay vào làm mọi việc.
Việc đầu tiên anh Mãn cho triển khai là dọn rác và trục vớt xác ba chiếc tàu đắm. Nhân công được đưa đón hàng ngày từ thị trấn vào đảo. Họ ăn trưa trên đảo và đến tối lại trở về. Thời gian đầu, chỉ có mình anh Mãn trên đảo.
Năm 2007, vị phó giám đốc phải trả tiền công 300 nghìn/người/ngày, tương đương hơn nửa chỉ vàng. Gần 20 người làm việc liên tục trong 6 tháng mới cơ bản dọn được rác rưởi trên đảo Khỉ.
Thợ thuyền thường chỉ làm ban ngày rồi trở vào đất liền, còn lại mình anh Mãn trên đảo hoang. Ám ảnh nhất là khoảng thời gian đầu, chưa có nhà tạm, đêm đêm, anh Mãn đốt lửa kê ván nằm ngủ.
"Ám ảnh nhất là có đêm, đang ngủ, rắn to cỡ cổ tay người lớn vắt ngang bụng. Lần ấy, tôi tưởng mình 'thế là xong rồi', may mắn là tỉnh dậy kịp, người không sao.
Sau lần ấy tôi phải mua dầu, làm đủ kiểu để xua đuổi rắn xung quanh lều. Lúc đó, phương tiện tàu thuyền cũng không nhiều, mỗi lần bão, các thuyền đò không ra tiếp tế được, cả tuần liền tôi và thợ chỉ ăn cơm mắm, muối là chuyện thường. Nhiều người bảo tôi: Sướng mà không biết đường sướng!", anh Mãn cười khà nhớ lại.
Cơn bão của biển khơi, cơn bão của hôn nhân
Sau khi dành thời gian 6 tháng dọn rác, trục vớt tàu đắm, anh Mãn đưa các đơn vị thi công, thiết kế vào đảo triển khai các hạng mục. Đến đảo rồi, người nào cũng nói với anh "hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đổ tiền vào đây"; có người lại khuyên "anh nên dừng lại". Tuy nhiên, anh Mãn vẫn kiên định mục tiêu ban đầu.
Để đi tới cùng mục tiêu ấy, anh Mãn phải đối diện với vô vàn khó khăn. Những khó khăn mà sau này nghĩ lại, anh không nghĩ mình có thể vượt qua được.
Vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, anh Mãn chưa thể ngày một ngày hai hiểu hết biển cả. Mỗi lần bão gió ập đến, bao nhiêu của cải lại đội nón ra đi.
Chỉ vào chiếc cầu cảng nơi để tàu, thuyền ra vào đón khách, anh Mãn kể: "Riêng chiếc cầu này, tôi phải làm đi làm lại tất cả ba lần. Bởi cứ dựng lên thì bị sóng gió, bão tố đánh sập".
Năm năm đầu tiên với anh Mãn thực sự "kinh hoàng". Năm nào anh cũng mất hơn 1 tỷ đồng. Nhiều hạng mục cứ làm xong thì bão đổ về, có những mất mát không thể lường trước được.
Chiếc cầu cảng anh Mãn xây đi xây lại ba lần.
Năm nay sóng đánh hướng này, sang năm, sóng lại thử thách anh Mãn ở hướng khác. Mỗi khi thi công hạng mục nào, anh lại phải lựa theo con nước, một tháng có thể chỉ thi công được 7-10 ngày. Nếu nước rút về đêm, 2-3h sáng, anh và thợ đã phải thức dậy làm.
Hàng trăm ngàn khối cát từ Quan Lạn được chuyển về đảo Khỉ. Những bờ kè cũng từng bước được dựng lên. Giữ đúng cam kết với Vườn Quốc gia Cát Bà, anh Mãn xây dựng khu lưu trú bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như tre, nứa, gỗ, mà một căn nhà loại này đắt gấp ba lần loại xây bằng bê tông, gạch thông thường. Nhưng những căn nhà ấy, thường xuyên bị bão đánh tan tành.
Anh Mãn ám ảnh nhất là thời điểm năm 2012, bão chồng bão - "7 ngày 3 cơn bão". Cơn bão ngoài biển khơi dội về khiến cho khu nghỉ dưỡng đang dần hiện ra hình hài của anh Mãn bị xóa sổ tới 75%. Không chỉ có thế, nó còn khiến cuộc hôn nhân của vợ chồng anh chao đảo.
Vị phó giám đốc nhớ lại: "Thời điểm ấy, nếu vợ chồng tôi không vững vàng thì có lẽ gia đình tôi cũng đã chia đôi, mỗi người mỗi ngả. Tuy nhiên, tôi đã thuyết phục được vợ và cô ấy đã đặt niềm tin vào tôi một lần nữa".
Lần ấy, anh Mãn quyết dốc toàn lực vào Monkey Island. Anh bán hết gia sản gồm biệt thự, bất động sản ở Hà Nội, du thuyền ở Hạ Long (Quảng Ninh) lấy tiền đầu tư ngoài đảo. Tiền bán gia sản không đủ, anh vay thêm bạn bè, ngân hàng…
Vợ con anh Mãn phải thuê một căn nhà nhỏ để sinh sống. Phải chia tay ngôi nhà gắn bó và là niềm tự hào với bạn bè, con gái lớn của anh khi ấy đang học cấp ba rất buồn.
Suốt một tháng sau ngày bố bán nhà, ngày nào cô cũng đạp xe đi qua ngôi nhà cũ và ngoảnh lại nhìn với niềm tiếc nuối. Biết được tâm sự của con gái, anh Mãn đã lặng người, rơi nước mắt. Vị phó giám đốc tự nhủ bản thân phải thành công bằng mọi giá.
Thời điểm đó, ở Hà Nội, anh Mãn vẫn giữ lại một bộ phận nhân viên để kinh doanh, tổ chức tour du lịch. Cứ có tiền, anh lại đổ vào đầu tư ngoài đảo. Vị phó giám đốc nhớ mãi câu nói của một nữ nhân viên: "Anh ơi, bao giờ thì thành công? Em sợ lúc đó tóc em bạc mất".
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Cuối năm 2016, sau nhiều thất bại phải đánh đổi bằng công sức và hàng trăm tỷ đồng, khu nghỉ dưỡng cũng dần đi vào hoạt động. Đặt chân đến đây, ai cũng bất ngờ bởi sự lột xác của hòn đảo trước đây vốn chỉ toàn rác.
"Nằm tại hòn đảo hoang sơ, giữa cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, ai cũng bảo nơi đây như thiên đường hạ giới. Nhiều khách Tây còn không dám ngủ vì chỉ muốn được tận hưởng thật nhiều cảnh sắc thiên nhiên", anh Mãn mỉm cười nhớ đến lời khen ngợi du khách dành cho mình.
Tuy nhiên, Covid-19 ập đến đánh một đòn chí mạng vào ngành du lịch. Anh Mãn một lần nữa lại đối diện với những thử thách nằm ngoài dự kiến. Khu nghỉ dưỡng không hoạt động, anh rút tiền túi, vay ngân hàng… trả lương cho 6 nhân viên canh coi đảo và tàu bè, chi phí mỗi tháng gần 100 triệu đồng.
Mòn mỏi chờ mãi cũng đến ngày dịch bệnh được kiểm soát, du lịch khôi phục trở lại. Khách nghỉ hè đến với đảo Khỉ đông hơn, gương mặt vị phó giám đốc cũng dần giãn ra khi mỗi tháng có thể trả được ngân hàng mấy trăm triệu đồng.
Hơn một thập kỷ ngoài đảo Khỉ, anh Mãn đã dốc gần như toàn bộ gia sản vào nơi đây. Cứ ngỡ trải qua từng ấy khó khăn, nghiệt ngã, anh có thể bắt đầu tận hưởng những trái ngọt. Nhưng mọi chuyện lại không được suôn sẻ như anh vẫn mong mỏi và hy vọng suốt 15 năm qua.
"Khi nợ vẫn chưa trả hết thì tôi lại phải đối diện với nguy cơ mất trắng khi chủ trương của thành phố thay đổi, thu hồi lại khu nghỉ dưỡng. Khi nhận lời mời hợp tác với Vườn Quốc gia Cát Bà, tôi hiểu mình vừa làm du lịch nhưng cũng góp phần giữ biển, giữ rừng, giữ đảo cho Tổ quốc và làm cho vùng đảo Cát Bà bừng sáng như hôm nay. Và thực tế, tôi cũng từng được ghi nhận", anh Mãn nói.
Theo anh Mãn, trước đây, Vườn Quốc gia Cát Bà trở thành mô hình điểm về liên kết làm du lịch sinh thái. Anh từng vinh dự được tiếp đón đại diện một số vườn quốc gia trên cả nước tới đảo Khỉ để học tập mô hình. Công ty của anh còn nhận được một số bằng khen vì có thành tích trong hoạt động du lịch của địa phương.
Nhiều lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện Cát Hải qua các thời kỳ khi đến thăm đảo đều ghi nhận mô hình của anh là một trong điểm nhấn du lịch của Cát Bà. Nhận được những lời động viên ấy, anh càng vững tin vào con đường mình đã chọn.
Anh Mãn trăn trở trước số phận của đảo Khỉ.
"Tuy nhiên, đến lúc này, tôi có thể bị mất trắng vì chủ trương thay đổi. Liệu tôi có đáng bị đối xử như vậy? Việc phá dỡ các công trình xây dựng của doanh nghiệp hiện tại liệu có để trồng rừng hay lại cho ra đời một dự án đầu tư khác quy mô hơn?", nghèn nghẹn nơi cổ họng, anh Mãn liên tiếp đưa ra những câu hỏi.
Nội dung: Hồng Anh - Khôi Vũ - dantri