Thị trường khách sạn “hồi sinh”
Sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc trở lại khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3/2022 và khôi phục nhiều đường bay quốc tế.
Theo đó, trong tháng 3/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 41,7 nghìn lượt, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 82,3 nghìn lượt người, chiếm gần 90,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 165,2%. Du lịch nội địa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách ước đạt 26,1 triệu lượt người. Tổng thu từ du lịch 3 tháng đầu năm ước đạt 111,2 nghìn tỷ đồng.
Sự phục hồi của ngành du lịch đã và đang tạo nhiều điều kiện cho các cơ sở lưu trú, lữ hành quay trở lại hoạt động.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường khách sạn tại các địa điểm du lịch đã có những diễn biến sôi động. Thực tế cho thấy, nhiều khách sạn đã bắt đầu ghi nhận sự cải thiện về nguồn cầu - cung, khiến công suất thuê phòng dù chưa đạt được một nửa so với cùng kỳ năm 2019 nhưng nhìn chung đều có xu hướng tăng lên rõ rệt.
Nổi bật là thị trường khách sạn tại Hà Nội trong quý I/2022 ghi nhận 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.000 phòng mở cửa trở lại; trong đó có 591 khách sạn 1 - 5 sao gồm 24.415 phòng, chiếm 15,9% tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao đạt khoảng 19,3%.
Được biết, nguồn cung phòng khách sạn tại Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,1% từ năm 2014 - 2021. Các khách sạn hạng trung chiếm 42,9% nguồn cung hiện có, tiếp theo là hạng cao cấp với 26,5% và bình dân là 22,7%.
Savills đánh giá, nguồn cung khách sạn hiện tại ở Hà Nội khá ổn định. Dự kiến sẽ có thêm 8/13 dự án mới đi vào hoạt động từ nay đến năm 2023, chủ yếu ở khu vực nội thành, chiếm 54% tổng nguồn cung. Đến năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 2.400 phòng khách sạn được tung ra thị trường.
Thời gian qua, Hà Nội chịu nhiều tác động từ làn sóng thứ tư của dịch Covid-19, các công trình dự án trọng điểm bị ảnh hưởng tiến độ xây dựng nên thị trường khách sạn 4 - 5 sao vẫn khá yên ắng.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, thị trường đã chào đón thêm một khách sạn 5 sao mới là Capella Hanoi tại khu vực trung tâm thành phố, với 47 phòng. Một số dự án có thương hiệu quốc tế như Four Seasons, Wink, Dusit và Fairmont... vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua du lịch Thủ đô đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Một số hoạt động tiêu biểu như chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022, lễ hội khinh khí cầu… hay Sea Games 31 hiện tại cũng đang là cơ hội để Hà Nội thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm. Theo báo cáo quý I/2022, khách du lịch nội địa đến Thủ đô đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong quý III/2022, Thủ đô sẽ đón lượng khách quốc tế bật tăng cao hơn. Đây sẽ là những điều kiện tốt giúp thị trường khách sạn hồi phục mạnh mẽ.
Triển vọng thị trường khách sạn trong 2 quý cuối năm
Trên cơ sở sự hồi phục của ngành du lịch ở thời điểm hiện tại, kéo theo sự “thức tỉnh” của thị trường khách sạn, các chuyên gia đánh giá, trong hai quý cuối năm, đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục giữ nhịp.
Đặc biệt, theo nhiều nhận định, hai quý đầu năm 2022, thị trường khách sạn mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi, phải đến hai quý cuối năm, lĩnh vực này mới thực sự tăng tốc mạnh mẽ để lấy lại phong độ. Theo đó, vấn đề về nhu cầu và tiến độ phục hồi sẽ tiếp tục được các chủ khách sạn, nhà điều hành và các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, các chủ đầu tư khách sạn cũng sẽ tìm đến những giải pháp tối ưu hóa hiệu suất và dịch vụ, các công ty quản lý tài sản.
Đại diện Colliers khuyến nghị, chủ đầu tư các khách sạn nên phát triển những mô hình kinh doanh mạnh mẽ và linh hoạt hơn, để phù hợp với chi phí cố định cũng như xác định mức độ mà họ đang tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình.
Ngoài ra, chủ đầu tư khách sạn cũng cần đánh giá lại giờ hoạt động của các cơ sở F&B hoặc liệu rằng diện tích mặt bằng không sử dụng có thể được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác để tạo thu nhập thay thế hay không. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa dịch vụ của khách sạn và tăng nguồn thu.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ vào vận hành và kinh doanh ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi vấn đề đảm bảo sức khỏe luôn được các du khách quan tâm hàng đầu. Khách du lịch trong tương lai cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về không gian sống và ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Tất cả những xu hướng này sẽ cần được xem xét trong tương lai gần. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng cần tích cực đào tạo nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi chính phủ các nước tìm cách phục hồi và mở rộng doanh thu từ ngành du lịch và giải trí, sự cạnh tranh có thể sẽ sớm xuất hiện trở lại.
Đánh giá triển vọng thị trường khách sạn hai quý cuối năm 2022, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng: “Triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, riêng TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental”.
Cũng theo đại diện Savills, thị trường khách sạn cuối năm nay sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng “khách sạn hóa bất động sản thương mại” ngày càng nhiều. Các khu vực tận dụng tốt môi trường hoạt động hiện tại để chuyển đổi và nâng cao vị thế trên thị trường du lịch sẽ thu hút được lượng nhu cầu và đầu tư tăng trưởng vượt trội.
Với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư háo hức tìm kiếm các tài sản có thể tạo ra thu nhập và đồng thời chống lạm phát đáng kể, ngành nhà nghỉ, khách sạn sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào sẵn sàng triển khai.
Có thể nói, bức tranh thị trường khách sạn Việt Nam năm 2022 sẽ khởi sắc trở lại và kỳ vọng phát triển như trước khi xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với trên 90% dân số được tiêm chủng vắc-xin vào cuối năm 2022, ngành du lịch cũng như các cơ sở lưu trú sẽ có cơ hội tốt để hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nguồn: Reatimes