Văn hoá Việt Nam không chỉ thu hút bằng hương vị món ăn mà còn đang lan tỏa mạnh mẽ qua thiết kế không gian. Tại các quốc gia châu Âu, nhiều nhà hàng, quán cafe mang phong cách Việt đã xuất hiện với diện mạo hoàn toàn mới: hiện đại hơn, tiết chế hơn và thẩm mỹ hơn. Không còn bó hẹp trong biểu tượng quen thuộc như đèn lồng, gạch bông hay tranh Đông Dương, các thiết kế mới đã bước vào một giai đoạn trưởng thành - nơi văn hóa Việt được thể hiện một cách tinh tế và nhiều lớp. Bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu công trình quán pub Việt tại Barcelona - một đại diện tiêu biểu cho tư duy thiết kế mới do Ken Design thực hiện.
Thoát khỏi khuôn mẫu Indochine
Trước đây, khi nhắc đến nhà hàng Việt tại nước ngoài, nhiều người sẽ hình dung ngay đến những hình ảnh như đèn lồng đỏ, quạt nan, bàn gỗ sơn đen hay tường vàng vẽ tranh cổ. Đây là phong cách Indochine quen thuộc - dễ nhận diện nhưng dần trở nên khuôn mẫu. Sự lên ngôi của thiết kế đương đại mang bản sắc Việt chính là xu thế xuất phát từ mong muốn khác biệt của nhiều chủ đầu tư Việt tại nước ngoài.
Với xu hướng thiết kế mới, thay vì dùng biểu tượng trực diện, các nhà thiết kế trẻ chọn cách thể hiện văn hóa Việt qua không gian, ánh sáng, vật liệu và trải nghiệm. Sự “Việt Nam” không đến từ đồ decor, mà từ cảm xúc gợi nhắc, từ cách bố trí, từ chi tiết chọn lọc như vòm trần gợi mái đình, tranh sen mang hơi hướng trừu tượng, hay bảng hiệu có chữ tiếng Việt kết hợp tiếng bản xứ. Sự tiết chế này không làm mất đi bản sắc, ngược lại giúp không gian hòa nhập vào bối cảnh quốc tế mà vẫn giữ được “hồn Việt”.
Tái định nghĩa không gian Việt
Trong xu hướng mới, thiết kế nhà hàng Việt không còn mang dáng vẻ “xưa cũ” mà được xây dựng trên nền tảng hiện đại, tối giản nhưng vẫn ấm áp. Màu sắc trung tính, hình khối rõ ràng và vật liệu thô mộc như gỗ, đá, kim loại đen… được sử dụng linh hoạt. Một không gian Việt hiện đại có thể không cần bất kỳ biểu tượng nào, nhưng vẫn khiến người Việt nhận ra sự quen thuộc.
Điều đó đến từ nhịp không gian quen thuộc, sự chậm rãi trong cảm giác di chuyển, hay tỷ lệ bàn ghế, ánh sáng, mùi gỗ ấm. Đây cũng là cách mà các công trình tiêu biểu như Anan Saigon phiên bản quốc tế hoặc các nhà hàng Việt cao cấp tại Melbourne, Paris, London đang theo đuổi: truyền cảm mà không lặp lại, gợi nhớ mà không sao chép.
Tạo điểm chạm văn hóa mà không phô trương
Các nhà hàng Việt hiện nay không chỉ bán món ăn, mà còn bán trải nghiệm cá nhân hoá. Điều đó đồng nghĩa với việc thiết kế không gian phải phục vụ cảm xúc nhiều hơn. Khách hàng không cần biết hết về văn hóa Việt, nhưng họ phải “cảm thấy” được một điều gì đó đặc biệt - đó là vai trò của thiết kế. Vì vậy, xu hướng hiện nay là tạo các “điểm chạm” tinh tế trong không gian như
- Một bức tranh trừu tượng lấy cảm hứng từ nón lá, trống đồng.
- Một mảng tường gạch trát dở để gợi hình ảnh phố cổ.
- Một khu vực riêng biệt chỉ đủ chỗ cho hai người, ánh sáng dịu, âm thanh nhỏ.
Tất cả những chi tiết đó được dùng như ngôn ngữ kể chuyện, khiến thực khách phương xa không cần hiểu văn hóa vẫn có thể “cảm” được nó. Khiến những thực khách Việt, những người xa quê tìm lại sự thân thuộc nhẹ nhàng.
Quán Pub phong cách Việt Nam hiện đại tại Barcelona
Một trong những công trình tiêu biểu cho xu hướng này là quán pub phong cách Việt tại Barcelona, được thiết kế bởi Ken Design - đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các công trình F&B từ xa cho khách hàng Việt ở nước ngoài. Với diện tích chỉ 80m², lại nằm trong khu nhà phố cổ không được phá dỡ, công trình là một thử thách thực sự đối với các kiến trúc sư.
Khác với các mô hình thiết kế phổ biến mang phong cách Việt ở nước ngoài - vốn hay sử dụng tranh Đông Dương, phù điêu trống đồng hay màu sắc sặc sỡ, công trình này tiết chế tối đa chi tiết trang trí. Tuy nhiên, chất Việt vẫn hiện diện rõ ràng thông qua tranh treo tường lấy cảm hứng từ sen, đường cong của trần uốn vòm gợi hình mái đình, hay thậm chí là chữ Việt nhẹ nhàng trên menu và bảng hiệu. Trần uốn vòm trở thành đặc điểm nhận diện, vừa tạo chiều sâu thị giác vừa giúp ánh sáng len lỏi mềm mại qua từng nhịp khung sắt.
Thay vì dùng đèn lồng hay ánh sáng vàng gắt như trong nhiều không gian Indochine, Ken Design lựa chọn giải pháp ánh sáng âm trần, gián tiếp và dẫn hướng. Đèn LED âm chạy theo đường vòm trần, tạo ra lớp ánh sáng đều, dịu và ấm. Mỗi khu vực bàn ngồi được chiếu sáng bằng đèn treo thả công suất thấp, tạo vùng sáng riêng biệt và giúp khách hàng cảm thấy sự riêng tư mà không bị tối tăm.
Ánh sáng ở đây không phô trương, không trang trí mà có dụng ý rõ ràng: phục vụ cảm xúc, dẫn dắt trải nghiệm và tôn lên chất liệu nội thất. Sự chuyển tiếp ánh sáng giữa các khu vực cũng góp phần gợi nhịp sống Việt - nơi mỗi góc bàn là một không khí, một câu chuyện riêng. Vật liệu được lựa chọn theo nguyên tắc: dễ tìm tại châu Âu, dễ thi công, độ bền cao, và phải đủ cảm xúc. Gỗ nâu đậm, sắt sơn đen, simili màu da bò và mặt đá đen nhám phối hợp ăn ý giúp toát lên sự sang trọng. Quầy bar là điểm nhấn vật liệu với lớp gỗ sọc chạy đứng kết hợp đá cắt thô, tạo nên sự chắc chắn và chiều sâu.
Thiết kế nhà hàng phong cách Việt tại nước ngoài đang chuyển mình mạnh mẽ. Không còn nằm trong những hình ảnh cũ kỹ, không gian Việt ngày nay được định hình lại theo hướng hiện đại, cảm xúc và nhiều chiều sâu hơn. Dự án quán pub tại Barcelona do Ken Design thực hiện là một đại diện điển hình cho xu hướng đó - hiện đại nhưng vẫn Việt Nam, đơn giản mà không đơn điệu.